Với hàng trăm mẫu điện thoại hiện có trên thị trường, chọn được sản phẩm phù hợp với cá tính và nhu cầu không hề dễ dàng. Đây là những thông tin bạn cần biết để tìm được điện thoại ưng ý nhất.
Điện thoại di động ngày nay không chỉ là công cụ liên lạc, chúng còn giúp bạn gửi nhận email, đồng bộ lịch công việc và danh bạ liên lạc với máy tính, quay số bằng giọng nói, lướt web, chụp ảnh, chơi game, xem và soạn tài liệu, nghe nhạc và nhiều việc khác. Vì vậy, muốn chọn được sản phẩm phù hợp, bạn phải xem xét nhiều yếu tố từ kiểu dáng, tính năng đến hiệu năng của điện thoại.
Chọn kiểu dáng
Điện thoại di động có nhiều kiểu dáng khác nhau. Điện thoại gập (còn gọi là vỏ sò), thanh và trượt là những kiểu dáng phổ biến nhất hiện nay. Các điện thoại xoay hoặc kết hợp giữa xoay và gập cũng có nhưng tương đối ít về số lượng.
Mỗi kiểu dáng đều có đặc thù riêng, do vậy bạn nên cân nhắc chọn kiểu dáng phù hợp. Ví dụ, điện thoại gập sẽ hạn chế được các cuộc gọi vô tình và vì chúng ốp vào tai một cách tự nhiên nên nghe gọi điện thoải mái hơn các kiểu dáng khác. Trong khi đó, điện thoại dạng thanh mang lại cảm giác cứng cáp hơn. Còn điện thoại trượt tận dụng được điểm mạnh của hai kiểu dáng trên và cũng nhiều người thích hành động trượt của loại điện thoại này. Trước khi đưa ra quyết định chọn sản phẩm nào, bạn nên cầm điện thoại đó trên tay để đánh giá sự thoải mái.
Sau khi chọn được kiểu dáng ưng ý, công việc tiếp theo của bạn là kiểm tra các chi tiết. Đầu tiên, kiểm tra kích cỡ và vị trí đặt các nút điều khiển cũng như kích cỡ chữ trên màn hình. Các nút điều khiển to và nổi sẽ dễ dùng hơn. Thứ hai, kiểm tra chữ hiển thị trên màn hình có dễ đọc không, có gây mỏi mắt không.
Với điện thoại gập, bạn nên chọn loại có màn hình phụ bên ngoài để tránh phải mở máy mới biết số hoặc tên người nào đang gọi tới. Nhờ thành công của iPhone, màn hình cảm ứng đã trở nên phổ biến. Nhưng cũng giống như các bàn phím thông thường, màn hình cảm ứng cũng rất khác nhau về mức độ tiện dụng, do đó bạn nên kiểm tra hoặc dùng thử trước khi mua.
Cuối cùng là kiểm tra giao diện của điện thoại có dễ dùng hay không và lựa chọn màu sắc phù hợp. Bên cạnh đó, nếu bạn hay dùng điện thoại trong các điều kiện khác thường như môi trường dễ dính nước hay dễ rơi vỡ, nên tìm loại phù hợp với điều kiện công việc.
Chọn tính năng
Nếu bạn cho rằng chọn kiểu dáng đã khó khăn thì chọn tính năng cũng không dễ dàng hơn. Danh sách các tính năng điện thoại ngày càng dài, do đó bạn phải cẩn thận xem xét từng tính năng. Nói chung, lý tưởng nhất là không nên mua bất kỳ thứ gì vượt quá nhu cầu của mình.
Nếu bạn mua điện thoại chỉ để thực hiện các cuộc gọi, chọn loại đơn giản (điện thoại cơ bản) không có nhiều tính năng. Nếu bạn sử dụng điện thoại để gửi nhận email và các công việc khác, nên tìm những điện thoại tầm cao hơn hoặc thậm chí là smartphone. Nếu bạn thích dùng điện thoại cho những mục đích giải trí nên cân nhắc sắm điện thoại máy ảnh hoặc những điện thoại có khả năng nghe nhạc, 3G, xem phim hoặc truyền hình trực tuyến.
Dưới đây là những tính năng bạn cần xem xét trước khi mua điện thoại di động:
Công nghệ mạng di động: Các mạng di động ở Việt Nam hoạt động dựa trên hai chuẩn công nghệ khác nhau là GSM (Global System for Mobile Communication) và CDMA (Code Division Multiple Access). Mặc dù hai công nghệ này đều có chung mục đích là truyền tải giọng nói và dữ liệu đến thiết bị di động nhưng chúng thực hiện theo những cách hoàn toàn khác nhau nên không tương thích với nhau. Vì vậy, bạn không thể dùng điện thoại CDMA trên các mạng GSM và ngược lại.
Trong số các nhà mạng ở Việt Nam, VinaPhone, MobiFone, Viettel, Vietnamobile và Beeline sử dụng công nghệ GSM, trong khi đó hai mạng EVN Telecom và S-fone sử dụng CDMA. Tại Việt Nam, công nghệ GSM đang vượt trội hơn hẳn CDMA về độ phủ sóng, sự phong phú sản phẩm đầu cuối và cả số lượng nhà mạng. Hơn nữa, dịch vụ GSM cũng có vị thế lớn hơn trên toàn cầu nên là lựa chọn tốt hơn cho những người hay ra nước ngoài.
Hỗ trợ băng tần: Càng hỗ trợ nhiều băng tần, điện thoại di động càng bắt được nhiều dải sóng khác nhau. Các mạng GSM hiện nay sử dụng 4 băng tần phổ biến: 850 Mhz, 900 MHz, 1800 MHz và 1900 MHz. Các mạng di động ở châu Á và châu Âu hoạt động trên hai băng tần chính là 900 MHz và 1800 MHz, còn các nước châu Mỹ sử dụng phổ biến ở băng tần 850 MHz và 1900 MHz. Các mạng GSM ở Việt Nam hỗ trợ phát sóng song song trên hai băng tần 900 MHz và 1800 MHz, vì vậy các điện thoại hỗ trợ băng tần GSM 900/1800 có thể sử dụng tại Việt Nam.
Hiện nay, hầu hết điện thoại di động hỗ trợ ít nhất 2 băng tần, một số hỗ trợ cả 4 băng tần. Những được thoại hỗ trợ cả 4 băng tần còn được gọi là điện thoại toàn cầu (world phone) vì chúng hoạt động trên tất cả các mạng di động trên thế giới.
Với điện thoại 3G, một điểm cần lưu ý là công nghệ 3G (UMTS) của Việt Nam sử dụng băng tần 2100 MHz, nên các điện thoại có băng tần khác sẽ không dùng được 3G ở Việt Nam.
Các kết nối Bluetooth, Wi-Fi và 3G: Công nghệ Bluetooth giúp bạn kết nối không dây dải tần ngắn với các thiết bị ngoại vi khác như tai nghe để thực hiện cuộc gọi. Nhiều điện thoại còn cho phép bạn dùng Bluetooth để trao đổi hoặc đồng bộ dữ liệu với thiết bị Bluetooth khác hoặc để kết nối với tai nghe để nghe nhạc.
Với Wi-Fi, các điện thoại có thể lướt web hoặc truyền dữ liệu ở tốc độ cao hơn. Đây là công nghệ Internet không dây có tốc độ nhanh hơn, ổn định hơn và có chi phí rẻ hơn dịch vụ của các mạng di động.
Nhưng nếu muốn kết nối Internet mọi nơi mọi lúc, có thể chọn điện thoại hỗ trợ công nghệ mạng 3G. Hiện nay, các nhà mạng di động lớn của Việt Nam như Viettel, MobiFone và VinaPhone đều cung cấp dịch vụ 3G với vùng phủ sóng rộng khắp. Công nghệ mạng không dây này có tốc độ truyền dữ liệu lên tới vài megabit/giây và đặc biệt tiện lợi nếu bạn dùng điện thoại để gửi nhận email, chat và lướt web.
Màn hình: Nếu định sử dụng điện thoại để chat, lướt web hoặc xử lý văn bản, màn hình lớn là ưu tiên hàng đầu. Màn hình dưới 2,5 inch là quá nhỏ để lướt web và xử lý văn bản.
Độ tương phản màn hình và độ sáng của đèn nền (backlight) cũng rất quan trọng. Nếu điện thoại cho phép bạn điều chỉnh độ tương phản và đèn nền, bạn có thể điều chỉnh để chữ và đồ họa dễ xem hơn ở các môi trường ánh sáng khác nhau.
Bạn cũng nên cân nhắc đến độ phân giải màn hình. Nói chung, độ phân giải màn hình càng cao, màn hình càng nét hơn. Nếu bạn có dự định dùng điện thoại để xem phim hoặc hình ảnh, đây là yếu tố rất quan trọng.
Với màn hình cảm ứng, ngày càng phổ biến từ sau khi có iPhone, bạn nên biết rằng không phải màn hình cảm ứng nào cũng giống nhau. Một số màn hình như màn hình của iPhone hỗ trợ đa chạm (multitouch), nghĩa là chúng có thể ghi nhận cùng lúc nhiều điểm chạm. Công nghệ này cho phép bạn nhéo màn hình để phóng to hay thu nhỏ trang web rất tiện lợi; các điện thoại hỗ trợ cảm ứng đơn chạm chỉ có thể ghi nhận cùng lúc một điểm chạm.
Bàn phím: Khi chọn bàn phím, bạn nên kiểm tra chọn loại có các phím bấm nhạy, dễ bấm. Các phím được thiết kế lồi sẽ dễ sử dụng hơn là phím phẳng hoặc lõm thường thấy trên các điện thoại mỏng. Cách sắp xếp bàn phím và hệ thống menu cần trực quan.
Nếu bạn là người hay gửi nhận email hoặc chat, nên tìm điện thoại dùng bàn phím QWERTY. Mặc dù có bàn phím nhỏ nhưng chúng vẫn có thể tiết kiệm đáng kể thời gian nếu bạn dự định dùng điện thoại để gửi email hoặc soạn tài liệu văn phòng. Thậm chí cả những bàn phím QWERTY nhỏ cũng có thể dễ dùng hơn nhiều là dùng bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng.
Máy ảnh: Nếu bạn dự định chụp nhiều ảnh bằng điện thoại, chắc chắn bạn sẽ muốn quan tâm đến thông số của máy ảnh. Với các smartphone tầm trung, 5 megapixel hiện nay gần như là chuẩn mực chung. Phần lớn smartphone cao cấp hiện nay gắn máy ảnh từ 8-12 megapixel nhưng số megapixel nhiều hơn không hẳn đồng nghĩa với máy ảnh tốt hơn. Thông số quan trọng khác của máy ảnh trên điện thoại là có đèn flash, trong đó loại hai đèn LED (dual LED) hoặc đèn Xenon là tốt nhất. Nếu không có đèn flash, bạn sẽ không thể chụp ảnh trong nhà hoặc ban đêm mà không bị mờ. Hãy thử chụp vài tấm ảnh tại cửa hàng để có đánh giá sơ bộ về chất lượng ảnh của máy.
Hầu hết máy ảnh của điện thoại hiện nay cũng có khả năng quay phim; một số điện thoại cao cấp thậm chí có thể quay phim độ nét cao 720p và 1080p. Nếu phim là tính năng bạn cần, nên tìm loại điện thoại có hệ điều hành cung cấp cách tải phim lên các mạng xã hội như Facebook hoặc YouTube dễ dàng. Nếu bạn có nhu cầu gọi điện thấy hình (video call), chọn loại điện thoại có thêm máy ảnh mặt trước.
Thời gian pin: Thời gian pin cũng là yếu tố quan trọng vì chúng xác định thời gian bạn có thể sử dụng mà không cần sạc. Có hai tiêu chí đánh giá thời gian pin là thời gian đàm thoại và thời gian chờ. Thời gian đàm thoại có thể dài từ 1 đến 14 giờ hoặc lâu hơn tùy từng loại điện thoại. Điện thoại hỗ trợ mạng 3G thường có thời gian pin ngắn hơn điện thoại không có 3G. Ngoài ra, sóng của nhà mạng mạnh cũng có tác động vì điện thoại thường xuyên tìm tín hiệu sẽ hết pin nhanh hơn.
Thời gian chờ là khoảng thời gian điện thoại mở nhưng không sử dụng. Các nhà sản xuất thường cung cấp thời gian đàm thoại và thời gan chờ nhưng thông số của họ không hẳn phản ánh đúng thực tế sử dụng của người dùng. Vì vậy, bạn nên kiểm tra thời gian pin của điện thoại đó trên các trang đánh giá công nghệ uy tín.
Trọng lượng: Bởi vì điện thoại là thứ bạn luôn mang theo bên mình nên trọng lượng và kích thước là những yếu tố khá quan trọng cần cân nhắc trước khi mua. Hầu hết điện thoại có trọng lượng từ 80 – 170 gam; nói chung điện thoại càng đắt, trọng lượng và kích thước của nó càng nhỏ. Tuy nhiên, các smartphone bàn phím QWERTY là ngoại lệ vì chúng thường cồng kềnh và nặng hơn các điện thoại di động thông thường.
>> Xem thêm: Thế giới điện thoại
Bộ nhớ: Với điện thoại đa phương tiện, yêu cầu gần như phải có là nhiều khoảng trống để lưu trữ, tốt nhất là có thêm khe cắm thẻ nhớ ngoài.
Hệ điều hành: Nếu bạn không chỉ gọi điện và nhắn tin trên điện thoại, hãy xem xét hệ điều hành mà điện thoại đó sử dụng. Hệ điều hành di động bạn chọn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các khả năng của điện thoại. Ví dụ, các smartphone chạy hệ điều hành Windows Mobile thường được tích hợp sẵn các phiên bản Microsoft Office di động do đó bạn có thể xem và chỉnh sửa tài liệu khi bạn không có bên máy tính. Windows Mobile hiện xuất hiện trên khá nhiều điện thoại, do đó bạn có nhiều lựa chọn về phần cứng.
Các điện thoại BlackBerry chạy trên hệ điều hành BlackBerry (BlackBerry OS) gần đây đã được cập nhật với giao diện mới mẻ, hiện đại hơn và dễ dùng hơn trước. Phần mềm của các nhà phát triển độc lập cũng đã có trên BlackBerry sau khi hãng này ra mắt kho ứng dụng BlackBerry App World.
Hệ điều hành Palm hiện không còn được phổ biến nhưng nó vẫn là sản phẩm được nhiều người ưa thích vì dễ dùng. Nền tảng Symbian, có mặt trên hầu hết các smartphone của Nokia, không thân thiện với người dùng bằng Palm nhưng hỗ trợ nhiều ứng dụng, đặc biệt là các ứng dụng cho doanh nghiệp.
Hai hệ điều hành di động mới đang nổi đình nổi đám trên thị trường là iOS chạy trên điện thoại iPhone của Apple và Android của Google. iPhone không được tích hợp bất kỳ ứng dụng văn phòng thực thụ nào nhưng bạn có thể tìm chúng dễ dàng trên kho ứng dụng App Store của Apple. iOS hiện là nền tảng có hiều ứng dụng phục vụ công việc và giải trí nhất.
Android của Google hiện có mặt trên rất nhiều điện thoại, đặc biệt là từ các hãng HTC, Samsung, LG và Motorola. Các điện thoại Android cũng có kho ứng dụng riêng và sự lựa chọn cũng phong phú không kém App Store của Apple.
Nền tảng di động mới nhất là WebOS của Palm hiện có trên điện thoại Palm Pre. WebOS có giao diện đặc trưng khác hẳn với các nền tảng di động khác. Các điện thoại chạy hệ điều hành này cũng có kho ứng dụng riêng nhưng còn ít ứng dụng để lựa chọn. Tuy nhiên, HP đã tuyên bố ngừng phát triển hệ điều hành này.
Kiểm tra chất lượng
Mặc dù kiểu dáng thiết kế và tính năng rất quan trọng khi mua điện thoại, nhưng hiệu năng mới là điểm quan trọng nhất cần xem xét. Nên nhớ điện thoại chỉ tốt khi chất lượng cuộc gọi đảm bảo. Những điện thoại thiết kế đẹp hay giàu tính năng cũng sẽ vô nghĩa nếu nó có chất lượng cuộc gọi kém. Mặc dù sóng di động của nhà cung cấp dịch vụ chất lượng là yếu tố cốt yếu để có cuộc gọi tốt, nhưng khả năng bắt sóng của ăng ten điện thoại và ống nghe cũng đóng vai trò lớn vào chất lượng của điện thoại.
Ngoài việc tự xác định chất lượng cuộc gọi bằng cách gọi thử, đánh giá từ các trang công nghệ uy tín (nên nghe mẫu thử chất lượng cuộc gọi) cũng là cơ sở để tham khảo. Chất lượng cuộc gọi được đánh giá qua hai tiêu chí chính là độ trong của giọng nói và âm lượng.
Nếu muốn tìm điện thoại nghe nhạc hoặc chụp ảnh tốt, bạn cũng nên đánh giá những tính năng đó hoạt động thế nào. Mỗi điện thoại máy ảnh có những khác biệt về chất lượng ảnh và một số điện thoại nghe nhạc sẽ tốt hơn sản phẩm khác. Nếu có thể, hãy đánh giá những tính năng này trước khi mua.
Cuối cùng là kiểm tra thời gian pin của điện thoại. Hiện nay, bạn có thể đòi hỏi tối thiểu một điện thoại có thể đàm thoại liên tục trong 3 giờ và có thời gian chờ hơn 5 ngày. Mặc dù mỗi điện thoại đều có thông số thời gian pin do nhà sản xuất cung cấp, trải nghiệm thực tế sẽ khác, do đó bạn nên kiểm chứng từ các nguồn đánh giá tin cậy.
Cấp thấp, tầm trung hay smartphone
Nếu bạn mua điện thoại cấp thấp (low-end), mức giá dao động khoảng 2 triệu trở về. Nhiều điện thoại cấp thấp hiện nay được cung cấp gần như miễn phí kèm hợp đồng của nhà cung cấp dịch vụ như gói Alo của VinaPhone hay SUMO của Viettel. Ngoài ra, nhiều công ty bán lẻ chiết khấu khá cao khi bạn mua điện thoại trực tuyến. Thông thường, các công ty bán lẻ ở Việt Nam phân chia điện thoại thành 4 loại: phổ thông (có giá dưới 2 triệu đồng); trung cấp (từ 3 triệu đến 6 triệu đồng); cao cấp (từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng); và siêu cao cấp (trên 10 triệu đồng).
Các điện thoại ngày nay không chỉ dùng để gọi điện. Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn tức thời (instant message), nghe nhạc hay xem phim. Bạn cần xác định rõ nhu cầu và công việc bạn muốn làm trên điện thoại trước quyết định chọn sản phẩm phù hợp. Hầu hết điện thoại cấp thấp hỗ trợ việc gửi và nhận tin nhắn (SMS), xử lý email hoặc lướt web ở mức hạn chế. Cũng có một số điện thoại cấp thấp có thêm các tính năng như nghe nhạc và chụp ảnh nhưng nếu bạn muốn lướt web, chụp ảnh và hay xem phim nhanh hơn hoặc có tính năng GPS, bạn sẽ phải chọn điện thoại tầm trung hoặc cao cấp. Và nếu bạn muốn tìm điện thoại để xem hoặc soạn tài liệu văn phòng, cân nhắc chọn smartphone.
Cách kiểm tra điện thoại chính hãng
Ai cũng có nhu cầu sử dụng một chiếc điện thoại di động thông minh, tiện ích…Nắm bắt nhu cầu đó, thị trường điện thoại thông minh gần đây luôn nhộn nhịp, vì thế mà hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng thi nhau tràn lan trên thị trường. Việc biết cách kiểm tra điện thoại chính hãng chính là bí kíp cần thiết cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm.
Trong thời đại ngày nay, mọi người đã quá quen với hình ảnh chiếc điện thoại di động gắn liền mọi lúc mọi nơi vì sự tiện lợi, hữu ích mà nó mang lại. Đáp ứng nhu cầu, công nghệ điện thoại di động cũng phát triển như vũ bão, được cải tiến thông minh hơn với các chức năng như lướt web, xem phim, nghe nhạc, chụp ảnh…Vì thế việc chọn cho mình một chiếc điện thoại di dộng phù hợp với nhu cầu, sở thích của bản thân, đảm bảo chất lượng tưởng như đơn giản nhưng cũng không kém phần gian truân khi đứng trước hàng trăm mẫu mã từ nhiều nguồn.
Vậy nên tiêu chí quan trọng mà người tiêu dùng quan tâm nhất khi mua điện thoại đó là nó có phải điện thoại chính hãng không hay là hàng xách tay, hàng nhái. Bởi vì hàng chính hãng sẽ giúp người dùng an tâm về chất lượng, chế độ bảo hành sau khi mua. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến những cách kiểm tra điện thoại chính hãng thường áp dụng nhất:
1. Qua hình dáng, thiết kế bên ngoài
Cách kiểm tra điện thoại chính hãng đầu tiên đó là quan sát trực quan bên ngoài hình dáng và thiết kế của máy. Về kích thước, điện thoại chính hãng và điện thoại nhái đều như nhau, nhưng chú ý kĩ ta sẽ thấy khác nhau ở một số chi tiết mà điện thoại nhái không thể nào làm giả chuẩn xác được như logo, jack tai nghe, cổng sạc… Ví dụ trường hợp Iphone 4 dùng khe sim nano nhưng điện thoại nhái lại dùng khe sim card. Điều này dễ nhận biết qua việc kiểm tra thiết kế của khe sim. Các thiết bị điện tử gia dụng được bán bởi các đại lý phân phối chính thức là hàng mới 100%, luôn có tem nhãn chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Vì vậy, khi quan sát máy từ trong hộp lấy ra nhưng không mới, có trầy xước, thiết kế, đường nét không đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất thì đó không phải là điện thoại chính hãng. Màu sắc, độ sắc nét, sự tinh tế trong thiết kế ở điện thoại thường cao hơn nhiều so với điện thoại nhái. Nhưng cách kiểm tra điện thoại chính hãng này có nhược điểm là khó đối với những người mới sử dụng dòng sản phẩm đó lần đầu hoặc không áp dụng được đối với hàng xách tay.
2. Kiểm tra số IMEI và chế độ bảo hành
IMEI (International Mobile Equipment Identity) gồm 15 chữ số có ý nghĩa dùng để nhận dạng quốc tế cho thiết bị di động. Bạn có thể kiểm tra số IMEI của điện thoại mình bằng cách bấm *#06#. Cách này áp dụng với hầu hết điện thoại, trừ một số trường hợp như Iphone. Qua số IMEI chúng ta có thể kiểm tra được xuất xứ, kiểu điện thoại, hãng sản xuất, ngày tháng sản xuất. Và quan trọng nhất là kiểm tra thời hạn bảo hành của điện thoại. Vì nếu là điện thoại chính hãng thì phải có thông tin bảo hành của sản phẩm. Cách kiểm tra điện thoại chính hãng này được sử dụng nhiều và mức độ tin cậy cao. Khi kiểm tra số IMEI lưu ý là số IMEI trên thân máy (tháo pin sau máy sẽ nhìn được) phải trùng khớp với số kiểm tra bằng phần mềm.
Dòng Android: Samsung, Nokia, Sony là những hãng đã áp dụng chế độ bảo hành điện tử, ngay khi mua hàng sản phẩm sẽ được các đơn vị bán lẻ kích hoạt bảo hành trong vòng 24 giờ sau đó. Bạn kiểm tra thông tin bảo hành của máy bằng cách nhắn tin số IMEI tới tổng đài hoặc vào các trang web kiểm tra bảo hành của từng hãng sản xuất. Với các hãng không áp dụng bảo hành điện tử như: HTC, Oppo, Asus, Phillips cách duy nhất là gọi đến tổng đài của từng hãng, đọc số IMEI và nhờ nhân viên tổng đài kiểm tra tình trạng bảo hành của máy.
Dòng Iphone: đối với việc kiểm tra số IMEI của Iphone thì bạn truy cập vào phần Giới thiệu (About) trong máy Iphone và xem số IMEI tại đó. Để kiểm tra thời hạn bảo hành của sản phẩm Iphone, bạn truy cập vào trang hỗ trợ dịch vụ của Apple sau đó nhập số IMEI của điện thoại vào và bấm tiếp tục (continue), thông tin về thiết bị và thời gian bảo hành sẽ xuất hiện.
Thị trường điện thoại di động ở các cơ sở mua bán Hà Nội và TP.HCM rất đa dạng và phức tạp, nếu bạn chọn cách kiểm tra điện thoại chính hãng qua thời hạn bảo hành như trên mà không thấy thông tin về thời hạn bảo hành, thì có thể điện thoại mà bạn mua đã hết hạn bảo hành từ trước hoặc bạn đã mua phải hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
3. Kiểm tra kỹ thuật
Cách kiểm tra điện thoại chính hãng qua kỹ thuật đòi hỏi phải có một số kiến thức am hiểu về cấu hình, thao tác của dòng điện thoại mà mình kiểm tra. Tuy công nghệ làm giả hiện giờ rất tinh vi, các máy điện thoại nhái có nhái y chang kiểu dáng bản chính nhưng sẽ có giao diện điện thoại khác hẳn điện thoại chính hãng. Các giao diện khi mở khóa màn hình, màn hình chính, vị trí của các thanh công cụ của từng hãng đều có nét đặc trưng riêng mà không thể làm giả. Có thể kể đến một số giao diện đặc trưng của từng hãng như Samsung là TouchWiz, HTC là Sense, Sony là Timescape và LG là Optimus UI. Đi sâu vào kỹ thuật, bạn sẽ thấy điện thoại nhái không có đủ các tính năng của điện thoại chính hãng. Ví dụ: Iphone 5 và Iphone 6 có chức năng nút Home nhận diện vân tay, Samsung Note 3,4, Galaxy S3,4,5 có tính năng cảm ứng không chạm và màn hình thông minh. Ngoài ra, điện thoại nhái thường có camera mờ hơn so với độ phân giải của điện thoại chính hãng mà nhà cung cấp đưa ra, loa khi nghe gọi hay rè, âm thanh không trong, không rõ ràng, độ phân giải màu sắc của màn hình thấp.
4. Về giá cả
Bạn có thể thấy trên thị trường hiện nay, cùng một dòng sản phẩm nhưng nếu tìm trên các trang web mua bán rao vặt thì sẽ thấy nhiều loại giá cả, chênh lệch khác nhau. Giá cả của điện thoại chính hãng thường ít khác biệt chỉ chênh nhau vài trăm ngàn giữa các đại lý phân phối. Còn hàng xách tay hay hàng nhái thì giá rẻ hơn nhiều. Vì vậy, bạn nên đến các trung tâm điện máy, cửa hàng công nghệ uy tín để mua điện thoại dù giá ở đó có mắc hơn một ít nhưng sẽ được hãng sản xuất và nhà phân phối chính thức đảm bảo về chất lượng và dịch vụ hỗ trợ sau khi bán, các thiết bị và phụ kiện đi kèm cũng được kiểm định về chất lượng.
Còn nếu bạn muốn thật sự yên tâm trước khi mua một điện thoại chính hãng giá rẻ không rõ nguồn gốc thì nên đến các trung tâm sửa chữa, bảo hành của hãng để nhờ kiểm tra xem có phải điện thoại chính hãng hay không. Nhân viên kỹ thuật ở đó sẽ có cách kiểm tra điện thoại chính hãng chính xác nhất.
Nguồn: http://thegioidienthoai.com.vn/huong-dan-chon-mua-dien-thoai-di-dong-136.html
Tin nổi bật Mẹo mua sắm tiết kiệm